Sau Sau Quyến Rũ Ở Lạng Sơn
--- Bài mới hơn ---
Nghe giới thiệu cả đoàn công tác của chúng tôi đều háo hức muốn thử món lá rừng độc đáo này, ai nấy đều nhanh tay gắp rau vào bát mình, thấy thế Giám đốc Páo nói ngay: Ây dà, phải ăn thế này mới đúng kiểu. Miệng nói tay làm, ông gắp một nhúm lá sau sau rồi thả ngay vào tô nước chấm cho ngập hết rau rồi mới gắp vào bát mình để ăn. Ông nói: Ăn kiểu này mới cảm hết được hương vị của núi rừng các đồng chí ạ…
Quả như lời Giám đốc Páo, chúng tôi vào cuộc và cảm nhận đầu tiên là sự thú vị trong miếng rau rừng sống của giác quan, đó là vị bùi, chan chát, chua chua, đậm đà của vị nước chấm chuyên dùng hòa quyện với hương vị tươi nguyên của lá rừng tự nhiên, tạo nên cảm giác lâng lâng bay bổng khó tả. Và chỉ một loáng, đĩa rau rừng đầy ngộn đã hết veo.
Đến Lạng Sơn mùa này có rất nhiều loại rau, tất cả đều tươi non và ngon không chê vào đâu được, tuy nhiên lá sau sau tim tím, non chanh, tuy khiêm nhường trong đôi quang gánh, hoặc đôi sọt bên xe đạp của bà con ở đây, nhưng lại hết sức đắt hàng. Đặc biệt, vào bất kỳ quán ăn nào, dù thực khách gọi hoặc không gọi, chủ quán đều đưa ra một đĩa lá sau sau tươi rói, kèm bát nước chấm đặc chủng, cứ theo cách nói của dân bản địa thì: chỉ có loại nước chấm này mới tải nổi hương vị núi rừng của lá sau sau mà thôi.
Để làm được loại nước chấm đặc chủng này người Lạng Sơn phải lấy ruột cá làm sạch, băm nhỏ cùng thịt cá, thính nếp, nước mẻ, hành tỏi, ớt, củ sả, nước mắm ngon…đem nấu lên thành một thứ nước sền sệt thơm lừng. Có nơi để nấu nước chấm này họ còn cầu kỳ dùng nguyên liệu như tủy xương lợn kết hợp với một số gia vị của địa phương trộn vào nhau rồi đem ủ lên men mới mang ra chế biến, bà con gọi loại nước chấm này là Xà đúc có ở vùng Sì Nghều (huyện Lộc Bình). Tuy nhiên các loại nước chấm này trong bữa ăn có lá sau sau phải nhiều, để khi chấm mỗi chiếc lá sau sau phải thấm đẫm nước chấm thì mới ngon.
Còn lá sau sau, có rất nhiều ở đồi núi Lạng Sơn và một số tỉnh Tây Bắc. Cây thân gỗ khá cao, mọc hoang dại.Về mùa Xuân khi tiết trời mát mẻ, mưa phùn thấm đẫm núi rừng là lúc cây sau sau trổ lộc.Lá sau sau khi thoát chồi có màu tía đẹp mắt, tạo nên cảnh quan khá hấp dẫn cho núi rừng vào Xuân. Theo y học thì lá sau sau có vị đắng, tính bình; tác dụng thanh nhiệt giải độc, thu liễm chỉ huyết; chữa viêm ruột, đau vùng thượng vị, thổ huyết, chảy máu cam, dùng ngoài trị mẩn ngứa.
Công dụng chữa bệnh của lá sau sau đã rõ, nhưng về khoái khẩu mọi người của lá sau sau lại càng rõ hơn. Chẳng thế mà lá sau sau ở Lạng Sơn không chỉ hấp dẫn người bản địa, mà du khách đến đây mùa này ai cũng phải mua cho bằng được vài mớ sau sau về cùng gia đình thưởng thức hoặc làm quà cho bè bạn. Nhu cầu lớn vậy nên những ngày Xuân bà con vùng Lạng Sơn đã vào rừng bẻ lộc sau sau mang bán ở khắp các chợ đầu mối Lạng Sơn như: Chợ Kỳ Lừa, Đông Kinh, chợ Chi Lăng, có hàng trăm bà con ở Gia Cát, Hòa Cư, Cao Lâu (huyện Cao Lộc), Vân Thủy, Bản Thí (huyện Chi Lăng), thồ xe đạp, bán rong lá sau sau mỗi ngày…
Ngày Xuân đi lễ hội các danh thắng, di tích lịch sử ở Lạng Sơn đã là mong đợi của nhiều người và không ít người còn mong được thưởng thức lá sau sau quyến rũ của Lạng Sơn mỗi độ xuân về…n
Nguyễn Dương
--- Bài cũ hơn ---