Thịt vịt là một loại thức ăn bổ dưỡng cho cả gia đình. Bất kỳ người lớn hay trẻ con đều khoái khẩu với món ăn này bởi vị ngọt thanh của thịt, vị đậm đà của nước luộc, ăn kèm cơm hoặc bún là bạn đã có một bữa ăn hoàn hảo cho ngày hè oi bức.
Lợi ích của món thịt vịt với sức khỏe của cả gia đình
Nhiều người thường cảm thấy khó chịu khi ăn thịt vịt bởi mùi của thịt hơi khó chịu đối với những người sành ăn. Tuy nhiên, nếu như các bà nội trợ biết cách sơ chế và chế biến khéo léo thì thịt vịt không những hấp dẫn, thơm ngon mà còn có nhiều tác dụng nhất định cho sức khỏe.
Có lẽ bạn chưa biết rằng thịt vịt là một loại thuốc chữa bệnh cực kỳ hữu dụng trong Đông y. Thịt vịt có chưa nhiều dưỡng chất, vitamin tốt cho người suy nhược cơ thể, những người đang mắc chứng chán ăn, sốt, cổ họng đang có đờm, người đang bị kiết lỵ hay táo bón, đái tháo đường, mắc các bệnh phụ nữ như khí hư, phụ nữ ít kinh nguyệt, sản phụ thiếu sữa, da tóc khô, khát nước. Sở dĩ thịt vịt có tác dụng đối với những bệnh này bởi thịt vịt lành tính, có vị ngọt, mặn, tư âm dưỡng vị, lợi thủy giải độc.
Có nhiều món ăn được chế biến từ vịt như vịt om sấu, vịt rang muối, vịt áp chảo, cháo vịt…. Tuy nhiên, vịt luộc là món ăn quen thuộc và dễ dàng chế biến cho mọi nhà. Vịt luộc có vị mát, dễ ăn, không gây ngán trong những ngày oi bức. Luộc vịt không chỉ là cho vịt vào nồi luộc mà bạn nên sơ chế để món ăn có hương vị thơm ngon, đã mắt.
Nguyên liệu chế biến
Cách sơ chế thịt vịt trước khi chế biến
Thịt vịt chọn loại vịt cỏ đồng là ngon nhất bởi thịt mềm nhưng không bị nhão, mình con vịt không bị quá gầy hoặc quá béo. Những con vịt ngon là vịt sống không để qua đông lạnh, có ức đầy, vùng da cổ và da bụng dày, không bị chụi lông. Vịt đủ lứa thì quá trình vặt lông sẽ dễ dàng hơn, không bị vướng nhiều lông tơ, sẽ rất khó khăn và lâu trong quá trình sơ chế. Vịt trưởng thành sẽ có thịt ngon, ngọt và có độ dai lý tưởng nhất, tránh chọn những con vịt già sẽ thịt sẽ bị dai khó ăn và mất đi hương vị vốn có của thịt vịt.
Bạn có thể nhờ người làm lông ngoài chợ nếu như chưa có kinh nghiệm trong quá trình sơ chế. Tuy nhiên khi về nhà bạn cần làm sạch lại toàn bộ. Chú ý những bộ phận hay gây ra mùi hôi cho thịt như cổ, cánh, và phao câu. Nếu như không cần thiết bạn có thể loại bỏ phần phao câu trước khi luộc sẽ hạn chế tối đa mùi tanh cho món thịt vịt luộc. Một lưu ý quan trọng trong quá trình sơ chế vịt là nhớ bóc phần lưỡi bẩn trong mở vịt để món ăn được ngon nhất.
Với phần lòng vịt đã được sơ chế, bóp phần dư thừa ra và rửa với muối hột, bạn có thể đem luộc cùng vịt hoặc thái nhỏ và xào các món như lòng vịt vào hoa thiên lý, xào miến hoặc đậu cô ve đều ngon và dễ ăn.
Cách chế biến món Vịt luộc
Bước 1:Khử mùi hôi của vịt
Các nguyên liệu chuẩn bị cần sơ chế sạch sẽ. Vịt làm sạch khử mùi hôi. Cách đơn giản nhất là chà mình vịt cùng muối hạt thật kỹ và chú ý các phần dễ gây mùi hôi khi luộc. Cách thứ hai, bạn có thể pha nước muối loãng cùng rượu trắng và giấm táo ở một lượng nhất định và rửa sạch mình vịt. Cách thứ ba, bạn có thể chà một vài lát gừng lên mình vịt chà nhẹ nhàng vào mình vịt để khử mùi hôi hiệu quả nhất. Gừng không những loại bỏ mùi hôi mà còn khiến cho thịt vịt được thơm và hấp dẫn hơn.
Dù vịt đã được làm sạch lông và sơ chế sạch nhưng cũng không thể bỏ qua bước này, bởi thịt vịt luôn có mùi đặc trưng nếu như không biết cách sơ chế cẩn thận thì không những không loại bỏ được mà còn khiến cho món ăn của bạn mất đi hương vị ngon vốn có.
Bước 2: Luộc vịt
Bắc một nồi nước to đủ để vừa một con vịt khoảng 1,5kg đến 2,0kg. Đun nước cùng với một vài lát gừng và nhỏ 1-2 giọt rượu trắng. Đun nước đến khi sôi thì thả vịt vào. Chú ý cho vịt được ngập nước thì vịt sẽ chín đều và mềm hơn. Sau khi thả vịt vào thì để lửa to cho đến khi sôi lại.
Sau đó giảm lửa đến mức nhỏ nhất và để liu riu khoảng 15 phút. Tắt bếp và ngâm vịt trong nồi khoảng 30 phút. Công đoạn này vừa đảm bảo vịt được chín một cách từ từ vừa khiến thịt được ngọt và thanh hơn. Hơn thế nữa, thịt vịt luộc sẽ luôn được nóng và mềm hơn là bắc ra bếp và để nguội.
Để kiểm tra thịt vịt đã chín chưa bằng cách dùng một chiếc đũa nhỏ hoặc 1 cái dĩa cắm nhẹ vào phần đùi xem có ra nước đỏ không? Nếu không tức là vịt đã chín đều và có thể mang đi chặt được.
Bước 3: Làm nước mắm chấm
Trong thời gian chờ đợi ngâm vịt, bạn có thể tranh thủ đi làm nước mắm chấm vịt theo gợi ý sau
Một chén nước đun sôi để nguội pha cùng 3 thìa nước mắm, 1 muỗng tỏi băm, 1 muỗng gừng băm, 1 muỗng đường, 1 lát ớt, nửa quả chanh vắt cốt bỏ hạt. Khuấy đều và nêm nếm sao cho phù hợp với khẩu vị của bạn.
Bước 4: Chặt thịt vịt
Sau khi ngâm vịt trong nước, bạn vớt vịt ra để ráo nước rồi chặt thành miếng dài xếp vào đĩa. Ăn kèm thịt vịt cùng với rau ngổ, rau thơm, mùi tàu sẽ đưa miệng hơn.
243 views